ABBANK đã hoàn tất phát hành cho cổ đông hiện hữu, đang chuẩn bị đưa cổ phiếu ABB từ UPCoM lên sàn niêm yết

Ngay sau khi hoàn thành đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP, ABBANK sẽ tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35%.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) cho biết nhà băng này đã thực hiện thành công việc phát hành hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, 114.262.271 cổ phiếu đã được ABBANK chào bán hết với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông, nhà đầu tư tương đương tỷ lệ tăng thêm 20% vốn điều lệ.

Trong đó, 76.440.358 cổ phiếu đã được bán cho các cổ đông hiện hữu và 37.821.913 cổ phiếu chưa bán hết cho cổ đông hiện hữu được phân phối cho các nhà đầu tư trong nước (số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán).

Việc phân phối số cổ phiếu mà các cổ đông hiện hữu chưa mua hết được ABBANK thực hiện với mục tiêu và nguyên tắc chào bán hết toàn bộ số cổ phiếu được phép bán của đợt chào bán; tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan; không ưu đãi hơn so với điều kiện chào bán cho cổ đông hiện hữu trong đợt chào bán; và ưu tiên phân phối một cách tập trung cho các nhà đầu tư có năng lực và nhu cầu, phù hợp với mục tiêu ổn định và phát triển của ABBANK. Việc phân phối số cổ phiếu mà các cổ đông hiện hữu chưa mua hết được HĐQT thông qua không làm phát sinh cổ đông lớn của ngân hàng.

Lộ trình tăng vốn đợt 1 của ABBANK gồm chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP với số lượng 2% cổ phần, dự kiến hoàn thành ngày 31/12/2021. Sau khi hoàn tất, ABBANK sẽ tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% (tính trên số vốn điều lệ mới sau đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP) từ nguồn vốn chủ sở hữu. Kết thúc giai đoạn chia cổ phiếu thưởng, tổng số vốn điều lệ ABBANK dự kiến sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng.

ABBANK cũng đang tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để chuyển mã cổ phiếu ABB từ sàn UPCoM lên sàn niêm yết trong thời gian tới.

Chia sẻ với chúng tôi sau sự kiện chào bán cổ phiếu, ông Đào Mạnh Kháng, chủ tịch HĐQT ABBANK cho biết, việc chào bán của ABBANK cho cổ đông hiện hữu trong tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh được đánh giá là  thành công theo đúng kế hoạch.
"Thị trường đánh giá mức độ hấp dẫn của đợt chào bán là tốt, dựa trên bản chất và cơ hội tốt của cổ phiếu ABB. Cụ thể, ABB là một trong các cổ phiếu ngân hàng có tính thanh khoản tốt, thị trường đánh giá tiềm năng, tăng trưởng giá của cổ phiếu ngành ngân hàng còn khá lớn nói chung, trong đó các chuyên gia đánh giá cổ phiếu ABB được định giá khá thấp so với tình hình hoạt động và tiềm năng phát triển của Ngân hàng. Giá giao dịch cổ phiếu ABB trên thị trường hiện cao hơn gần gấp hai lần rưỡi so với mệnh giá phát hành khẳng định giá phát hành bằng mệnh giá là hấp dẫn, các cổ đông và nhà đầu tư chứng khoán hiểu rõ điều này" – ông Kháng nói.

Chủ tịch ABBANK cho biết thêm, chỉ có một số ít cổ đông không đăng ký mua cổ phiếu trong đợt phát hành này.

PV: Nguyên nhân là do đâu thưa ông?

Ông Đào Mạnh Kháng: Thứ nhất, nhiều cổ đông chưa lưu ký chứng khoán mã ABB và không theo dõi báo chí hay trang web của ABBANK để biết thông tin phát hành, nhiều cổ đông mất liên lạc do chuyển địa chỉ cư ngụ / thay đổi số điện thoại liên lạc mà không thông báo. Ngân hàng đã nỗ lực, giành nhiều thời gian và phương thức để liên lạc với các cổ đông thông qua công bố thông tin trên các hệ thống website của Ngân hàng, Báo chí, Gửi thư tín, Gọi điện…tuy nhiên, một số cổ đông, trong đó không loại trừ là các cổ đông lớn tuổi, hoặc cổ đông gặp khó khăn do tình hình Covid, ABBANK không thể tiếp cận được.
Thứ hai, một số cổ đông gặp khó khăn về tài chính.
Thứ ba, một số cổ đông mắc kẹt ở nước ngoài không xử lý kịp.
Việc phân phối số cổ phiếu cổ đông hiện hữu không mua hết cho nhà đầu tư khác được thực hiện trên cơ sở bảo đảm tuân thủ quy định hiện hành, không ưu đãi hơn so với việc chào bán cho cổ đông hiện hữu và ưu tiên phân phối một cách tập trung cho những nhà đầu tư có năng lực và nhu cầu, cam kết tuân thủ các điều kiện về nguồn vốn hợp pháp, thời gian nắm giữ tối thiểu và quy định về tỉ lệ sở hữu đồng thời phù hợp với mục tiêu ổn định và phát triển của ABBANK. Quyết định của HĐQT về việc phân phối số cổ phiếu này sẽ được công bố thông tin theo quy định hiện hành.

Việc nhà đầu tư nước ngoài không thực hiện quyền mua cổ phiếu là do đâu và có ảnh hưởng tới kế hoạch tăng vốn của ngân hàng?

Chúng tôi không bị động về việc hai cổ đông nước ngoài không mua cổ phiếu tăng vốn. ABBANK hiểu rõ khi cổ đông quyết định đầu tư thì cần xem xét rất nhiều yếu tố trong đó có chính sách nội bộ về đầu tư, các hạng mục ưu tiên tại từng thời điểm... HĐQT cũng đã thông qua kết quả chào bán và phân phối hết số cổ phiếu cổ đông không mua nên không ảnh hưởng đến kế hoạch tăng vốn của ngân hàng
Cổ đông Maybank đã thông báo cho ABBANK về chính sách đầu tư chung của Tập đoàn là không giải ngân vào các nước khác trong giai đoạn hiện nay do đó mặc dù đánh giá cổ phiếu ABB phát hành bằng mệnh giá là rất hấp dẫn nhưng họ vẫn phải tuân thủ chính sách chung; Maybank vẫn là cổ đông chiến lược của ngân hàng do tỉ lệ sở hữu trên 16% và tiếp tục cam kết tham gia quản trị và hỗ trợ ABank như trước đến nay.
IFC cũng không tăng đầu tư trong giai đoạn hiện nay, chính sách của IFC là đầu tư tài chính trung hạn đi kèm hỗ trợ các định chế phát triển theo hướng tư nhân hóa, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị theo thông lệ quốc tế, tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường và lợi ích xã hội, khi hoàn thành mục tiêu đầu tư và hỗ trợ các định chế đang phát triển thì IFC sẽ giảm dần. Trên thực tế IFC đã lưu vốn tại ABBANK hơn 11 năm là thời hạn rất dài so với các khoản đầu tư thông thường của họ.
Về cơ cấu cổ đông lớn của ABBANK sau tăng vốn vẫn bao gồm Geleximco, Maybank, IFC. Nhóm cổ đông lớn này vẫn thể hiện cam kết gắn bó, hỗ trợ ABBANK phát triển ổn định trong tương lai.
Sau tăng vốn điều lệ, với nền tảng năng lực tài chính vững chắc, chiến lược phát triển kinh doanh tăng trưởng cao cùng với việc chia cổ tức tích lũy tỉ lệ 35%, trị giá cổ phiếu sẽ được thị trường đánh giá cao hơn so với hiện nay.

Nhà đầu tư mua số cổ phiếu được phát hành thêm cho cổ đông mà cổ đông hiện hữu trong đó có 2 nhà đầu tư nước ngoài, ông có thể tiết lộ?

HĐQT đã xem xét và thông qua các nguyên tắc, tiêu chí và danh sách nhà đầu được phân phối số cổ phiếu còn lại mà cổ đông hiện hữu không mua với sự nhất trí cao nhất. Số lượng cổ phiếu chưa phân phối hết trong đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu đã được phân phối các cổ đông tổ chức và cá nhân đặt mua sớm nhất và đáp ứng các điều kiện sở hữu theo quy định, tuy nhiên không có phát sinh cổ đông lớn sở hữu trên 5%. Danh sách cổ đông lớn của ABBANK vẫn là nhóm Geleximco, Maybank, IFC.

Sau khi hoàn tất tăng vốn, room vốn ngoại của ABBANK giảm đi bao nhiêu %? Ngân hàng có mong muốn tiếp tục tìm nhà đầu tư ngoại để lấp đầy room vốn ngoại?
Hiện nay do 2 cổ đông lớn nước ngoài nắm giữ tổng cộng 30% số vốn điều lệ của ABBANK (sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở mức tối đa cho phép 30%). Dự kiến sau khi kết thúc chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP cho CBNV, tổng sở hữu của cổ đông nước ngoài tại ABBANK là ~24,59% cổ phần. Việc ESOP dự kiến hoàn tất vào 31/12/2021.

Như vậy, dự kiến tới đầu tháng 1/2022, ABBANK hoàn tất việc tăng vốn giai đoạn 1. Hoạt động tăng vốn giai đoạn 2 sẽ thực hiện như thế nào, kỳ vọng của ngân hàng sau khi hoàn tất tăng vốn?

Ngay sau khi hoàn thành đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP, ABBANK sẽ tiếp tục triển khai chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% (tính trên số vốn điều lệ mới sau chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu ESOP) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ với số tiền được sử dụng tổng cộng gần 2.440 tỷ đồng.
Sau khi kết thúc giai đoạn 2 (chia cổ phiếu thưởng), tổng số vốn điều lệ ABBANK sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để đảm bảo và nâng cao các chỉ số an toàn vốn, bổ sung quy mô vốn hoạt động nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như hoạt động cho vay, đầu tư các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, đồng thời một phần được sử dụng để đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, tăng cường nền tảng số hoá của ABBANK. Phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán theo đó có mối liên hệ nhất quán, đồng nhất với nhu cầu và mức độ đủ vốn để phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng, bảo đảm tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, củng cố và nâng cao mức độ đáp ứng các theo tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng độc lập, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của Ngân hàng.
Đối với cổ đông, ngoài các giá trị đầu tư bền vững dựa trên cơ sở hoạt động kinh doanh ổn định và vững chắc của Ngân hàng, sau tăng vốn điều lệ, với năng lực tài chính và nền tảng vững chắc, cùng với việc chia cổ phiếu thưởng tỉ lệ 35%, cổ phiếu ABBANK chắc chắc sẽ có sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư.

Mục tiêu của ABBANK thời gian sắp tới là gì thưa ông?
Duy trì hoạt động của ngân hàng ổn định, chắc chắn, đem lại giá trị cho cổ đông; đem lại tiện ích cho khách hàng và đóng góp cho sự bình an, hạnh phúc cho cộng đồng.
Trong kế hoạch tăng vốn từ hoạt động phát hành cổ phiếu, ABBANK hướng tới triển khai sử dụng cho mục tiêu nâng cao các chỉ số an toàn vốn, thực hiện hóa lộ trình tăng nhanh quy mô vốn hoạt động đồng thời đầu tư tăng cường nền tảng số hoá của Ngân hàng.H
Công nghệ thông tin là xương sống của chiến lược chuyển đổi số mà ABBANK đề ra. Chiến lược này sẽ triển khai có lộ trình và theo nhiều cấu phần để mang đến những trải nghiệm chất lượng cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Điều quan trọng khác là cán bộ nhân viên của ngân hàng cũng được hưởng tất cả các tiện ích hàng đầu khi thực hiện nghiệp vụ vì các quy trình nội tại được tự động hóa.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ đồng thời phát triển ngân hàng online để cung cấp các dịch vụ điện tử trọn gói, từ gửi tiền, thanh toán hóa đơn đến vay vốn, phát triển và kiện toàn Omni channel để mang đến trải nghiệm khách hàng xuyên suốt.

(Nguồn: Cafef.vn)